Sang chấn thời thơ ấu ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành như thế nào?
Những chấn thương khi còn nhỏ không thực sự biến mất, mà sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Điều đó ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành như thế nào và làm thế nào để khắc phục?
Ảnh hưởng của sang chấn thời thơ ấu đến quá trình trưởng thành
Sự hình thành bản sắc cá nhân là một phần quan trọng của sự phát triển bình thường và diễn ra trong suốt vòng đời của mỗi người. Bản sắc – bao gồm ý thức về sự đủ tốt, tích hợp cảm xúc và trí tuệ, cảm giác an toàn và liền mạch như một cá nhân, và cả những trải nghiệm cơ bản về chúng ta thực sự là ai – có thể bị phá vỡ bởi chấn thương phát triển.
Chấn thương phát triển là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những chấn thương thời thơ ấu như bị lạm dụng, bỏ bê thường xuyên hoặc việc trải qua những nghịch cảnh khắc nghiệt khác trong chính gia đình của mình. Khi một đứa trẻ tiếp xúc với căng thẳng quá mức và người chăm sóc của chúng không giúp giảm căng thẳng này, hoặc là nguyên nhân của sự căng thẳng, đứa trẻ sẽ trải qua chấn thương phát triển.
Chấn thương trong những năm đầu đời làm thay đổi quỹ đạo phát triển não bộ, chẳng hạn như một môi trường đặc trưng bởi sự sợ hãi và bỏ bê sẽ gây ra sự thích nghi khác của mạch não so với một môi trường sống an toàn, nhiều tình yêu thương. Sang chấn diễn ra càng sớm, ảnh hưởng sẽ càng sâu sắc.
Dưới đây là 6 cách mà bản sắc có xu hướng được định hình bởi những trải nghiệm đau thương trong thời thơ ấu. Hiểu được các chủ đề cơ bản này có thể giúp chúng ta nhận ra các khu vực khó khăn để bắt đầu công việc phục hồi, cải thiện và phát triển bản thân.
Sang chấn diễn ra càng sớm, ảnh hưởng sẽ càng sâu sắc.
Bị đánh mất tuổi thơ: “Tôi chưa bao giờ thực sự có một tuổi thơ” hoặc “Tôi không thể nhớ gì nhiều về quá trình lớn lên.”
Những người trải qua một thời thơ ấu rất đau khổ thường không thể nhớ những dải lớn ký ức của những năm đầu đời. Họ có thể nhớ những khoảnh khắc đặc biệt sống động, đôi khi được gọi là “ký ức bóng đèn”, thực chất là không có bất kỳ bối cảnh nào đối với họ. Họ thường không có một câu chuyện rõ ràng về bản thân khi còn là một đứa trẻ, cho đến tuổi thiếu niên, giai đoạn trưởng thành sớm và đôi khi thậm chí cả những năm tháng sau này trong cuộc sống.
Ý nghĩa tự truyện này được gọi là “tường thuật mạch lạc” trong lý thuyết gắn bó, và có thể bị thiếu vắng, kém phát triển, sai lệch, hoặc đơn giản quá mức. Nhiều người nói rằng họ cảm thấy như tuổi thơ của họ đã bị đánh cắp, và thiếu nền tảng đó, bản sắc cá nhân khi trưởng thành bị xâm phạm.
Những người trải qua một thời thơ ấu rất đau khổ thường không thể nhớ những dải lớn ký ức của những năm đầu đời.
Bản thân bị thiếu hụt: “Tôi luôn cảm thấy thiếu thứ gì đó, nhưng tôi không biết nó là gì.”
Với sang chấn phát triển mãn tính, những đứa trẻ thường ngắt kết nối các phần quan trọng của bản thân để sống sót – một dạng phân ly. Chúng có thể dựa vào một nhân cách chính để tìm kiếm sự ổn định và cảm giác như thể mọi thứ đều ổn – chẳng hạn như trở thành một học sinh gương mẫu – trong khi lại có quá ít hoặc không hề có đời sống cá nhân thực sự.
Sau này trong cuộc sống, những người này có thể cảm thấy như mất đi một (vài) phần của bản thân. Thông qua quá trình phát triển và trị liệu cá nhân, họ có thể khám phá lại và thậm chí tái tạo những phần còn thiếu này. Điều phổ biến là những phần còn thiếu này được liên kết với các trạng thái cảm xúc và ký ức cụ thể, và việc tái hợp với chúng sẽ mang lại cảm giác đủ đầy và trọn vẹn hơn về bản sắc cá nhân.
Sự thu hút với các mối quan hệ phá hoại: “Tôi là kiểu người luôn hẹn hò với những người không tốt cho tôi.”
Không có gì lạ khi những người bị tổn thương bởi những người chăm sóc thường kết thúc bằng tình bạn, tình yêu và thậm chí cả những mối quan hệ công việc không tốt cho họ. Họ tìm thấy những người phù hợp với bản sắc đau thương của họ, ngay cả khi họ đang cố gắng đưa ra những lựa chọn khác và tốt hơn, dẫn đến việc tái chấn thương thông qua việc lặp lại quá khứ.
Họ cuối cùng có thể ở xung quanh những người vô cảm, những người lạm dụng, hoặc cuối cùng rơi vào tình trạng cố gắng giải cứu và sửa chữa những người họ hẹn hò. Một cách có ý thức, họ muốn tìm một người có thể mang lại những gì họ biết là họ cần và muốn, nhưng những ảnh hưởng vô thức dẫn họ xuống những con đường quen thuộc, không mong muốn.
Thông thường, có một “phản ứng hóa học” mạnh mẽ với các mối quan hệ mới, khiến cho họ cảm tưởng mối quan hệ đó dường như sẽ khác đi, thực ra chỉ để họ nhận ra với sự thất vọng rằng tất cả đều quá quen thuộc. Khi bạn bè cố gắng cảnh báo họ, không có gì lạ khi họ chọn sự lãng mạn mới hơn một người bạn đáng tin cậy. Liên tiếp dấn vào các mối quan hệ phá hoại có thể gây mất phương hướng và hoang mang, khiến họ phải tự đặt câu hỏi cho chính mình và khóa chính họ vào bản sắc cũ, đồng thời ngăn chặn bản sắc mới khởi sinh.
Người bị tổn thương thời thơ ấu có thể rơi vào tình trạng cố gắng giải cứu và sửa chữa những người họ hẹn hò.
Lảng tránh các mối quan hệ: “Tôi là người tốt hơn hết nên ở một mình.”
Ngoài ra, những người có trải nghiệm phát triển tiêu cực liên quan đến các mối quan hệ thân mật có thể lựa chọn để tránh sự gần gũi và cô lập chính họ. Đôi khi điều này bắt đầu từ sớm và đôi khi muộn hơn, như một nỗ lực để phá vỡ chu kỳ của các mối quan hệ có hại.
Nhưng mối quan hệ lành mạnh với những người khác là rất quan trọng cho sự phát triển cá nhân, đưa ra các cơ hội để phát triển và thay đổi. Bỏ lỡ chúng ở tuổi trưởng thành như một biện pháp tự bảo vệ làm suy yếu thêm sự phát triển của một bản sắc hoàn toàn trưởng thành, củng cố nhận thức về sự không xứng đáng và tự lên án.
Có nhiều trường hợp ngoại lệ cho cảm giác rằng chúng ta quá thiếu sót đối với người khác, những người xứng đáng hơn. Ở đây quá phức tạp để nói về hy vọng, niềm tin vào bản thân và quá trình hồi phục kéo dài. Điều đáng chú ý là đôi khi chúng ta vô thức đẩy mọi người ra xa, dường như chính chúng ta là mối đe dọa khi chúng ta không có ý định như vậy.
Người có sự phát triển tiêu cực liên quan đến các mối quan hệ thân mật có thể tránh sự gần gũi và cô lập chính họ.
Tránh né bản thân: “Tôi không thích nghĩ về bản thân mình, điều đó chỉ khiến tôi cảm thấy tồi tệ.”
Đặc biệt là khi chấn thương thời thơ ấu là một thành phần then chốt trong các mối quan hệ chính – ba mẹ, anh chị em hay những người quan trọng khác – bất kỳ sự gợi nhắc nào về những trải nghiệm đó có thể dẫn đến nỗ lực thoát khỏi chính mình để quản lý những cảm xúc và trải nghiệm đau đớn.
Khả năng tự chăm sóc bản thân bị suy giảm, và người ta học cách sống tách biệt với bản thân như một thói quen. Họ có thể không thể phản ánh chính mình, và chạy trốn khỏi bất kỳ sự khích lệ nào để làm việc đó. Ý thức về bản thân thường được đặc trưng bởi sự chán ghét, phản ánh một bản sắc đau thương cứng nhắc. Ở một mức độ tiêu cực nhất, điều này có thể dẫn đến việc tự hủy diệt chính mình.
Khó tích hợp cảm xúc: “Tôi không phải là người có cảm xúc mạnh mẽ về mọi thứ.”
Khi tình cảm không có chỗ đứng trong gia đình của một người, cảm xúc trở nên tách rời khỏi bản sắc của họ. Chúng tiếp tục có ảnh hưởng, dẫn đến sự nhầm lẫn và cảm giác không ổn định về bản thân, bởi vì khi đó người ta không thể dự đoán những cảm xúc mạnh mẽ sẽ đến. Chúng ta cần dữ liệu cảm xúc đó để hoàn toàn là chính mình và đưa ra quyết định. Rối loạn tình cảm dẫn đến các vấn đề với các quyết định bốc đồng và cản trở việc hình thành các mối quan hệ lành mạnh với người khác.
Một người có thể trải nghiệm cảm giác tê liệt cảm xúc hoặc (một cách nghịch lý) cảm thấy họ không có bất kỳ cảm xúc nào cả. Họ có thể trải qua một phạm vi cảm xúc hạn chế hoặc cảm thấy bị câm lặng. Chẳng hạn, họ chỉ có thể cảm thấy những cảm xúc mơ hồ, như thất vọng hoặc buồn chán, hoặc họ có thể kìm nén sự bất mãn cho đến khi cơn giận bùng nổ. Họ chỉ có thể cảm thấy những cảm xúc tiêu cực về bản thân, như ghê tởm và chán ghét bản thân – và thu mình khỏi bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai có cái nhìn tích cực về họ, cảm thấy khó chịu với lòng biết ơn của người khác, “không biết cách nhận lời khen ngợi” hoặc cảm thấy không tin tưởng khi người khác thể hiện lòng tốt. Họ có thể chấp nhận một bản sắc trí thức quá mức, hành động nghiêm nghị hoặc lúng túng xung quanh những người khác.
Một người có trải nghiệm tiêu cực về tình cảm gia đình chỉ có thể cảm thấy những cảm xúc tiêu cực về bản thân.
Làm thế nào để cải thiện tình trạng đó?
Mặc dù có thể không mấy dễ chịu khi đọc về những ảnh hưởng của chấn thương phát triển ở tuổi trưởng thành, và nản lòng khi chứng kiến công cuộc phục hồi và hình thành bản sắc vượt ra ngoài bản thân bị chấn thương, những nỗ lực trị liệu là có hiệu quả.
Đau buồn, phục hồi và phát triển thường diễn ra trong một khoảng thời gian dài hơn mong muốn và việc kết nối lại với chính mình có nhiều lớp. Điều quan trọng là cần ý thức rằng các mục tiêu dài hạn là có thể đạt được và đáng để thực hiện.
Bước đầu tiên là cần hướng tới việc tự chăm sóc bản thân, cũng như tạo dựng sự thoải mái khi tìm kiếm sự giúp đỡ mặc dù niềm tin vào người chăm sóc từng bị phá vỡ. Sau cùng, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và kiên nhẫn với chính mình, điều này có thể khó khăn, nhưng sẽ rất hữu ích.
Bước đầu tiên là cần hướng tới việc tự chăm sóc bản thân cũng như tạo dựng sự thoải mái khi tìm kiếm sự giúp đỡ.
1. https://www.facebook.com/photo/?fbid=3822768474407070&set=a.639984592685490
2. Ảnh minh hoạ: Tổng hợp