GIÚP TRẺ ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG CẢM XÚC KHÓ CHỊU
Tại sao cha mẹ cần giúp trẻ ứng phó với những cảm xúc khó chịu?
Những đứa trẻ có sức khỏe tâm lý mạnh mẽ hiểu rằng bản thân có thể điều tiết cảm xúc thay vì để cảm xúc kiểm soát. Điều này sẽ giúp trẻ quản lý hành vi và hạn chế những suy nghĩ tiêu cực.
Một đứa trẻ không biết cách điều tiết cơn giận dữ có thể biểu hiện hành vi hung hăng và thường xuyên bộc phát sự tức giận. Tương tự, khi một đứa trẻ không biết cách xử lý cảm xúc buồn, trẻ có thể cảm thấy buồn bã và ủ rủ mà không biết làm sao để vượt qua.
Khi trẻ không hiểu được cảm xúc của mình, trẻ sẽ tránh né mọi tình huống khiến trẻ cảm thấy không thoải mái. Ví dụ, trẻ nhút nhát trong các tình huống xã hội có thể tránh tham gia hoạt động mới vì thiếu tự tin vào khả năng chịu đựng sự khó chịu khi thử những điều mới.
Biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình giúp trẻ quản lý hành vi và hạn chế những suy nghĩ tiêu cực.
Dạy trẻ trách nhiệm với hành vi của chính mình
Mặc dù việc trẻ trải nghiệm nhiều loại cảm xúc (cả dễ chịu lẫn khó chịu) là tốt cho sức khỏe của trẻ, nhưng điều quan trọng là trẻ phải nhận ra rằng trẻ có thể điều tiết được cảm xúc của mình. Khi có một ngày khó khăn ở trường, trẻ sẽ chọn các hoạt động giải trí sau giờ học để cải thiện tâm trạng của mình. Khi tức giận về hành động của anh trai, trẻ có thể đi vào phòng một mình để bình tĩnh lại.
Cha mẹ hãy dạy trẻ về cảm xúc và giúp trẻ hiểu rằng những cảm xúc mạnh mẽ, khó chịu không nên là cái cớ để biện minh cho những hành vi chưa phù hợp. Tức giận không có nghĩa là trẻ được phép đánh ai đó, buồn bã cũng không có nghĩa là trẻ phải ủ rũ cả ngày.
Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân và không đổ lỗi cho người khác về cảm xúc của mình. Nếu trẻ đánh anh trai vì đã làm trẻ tức giận, cha mẹ hãy cho trẻ biết đây là hành vi chưa phù hợp, tức giận là cảm xúc của trẻ và trẻ phải chịu trách nhiệm với nó. Dù anh trai đã làm trẻ tức giận nhưng anh trai không phải là người gây ra cảm xúc này. Sau đó, hướng dẫn cho trẻ một số cách ứng phó phù hợp trong tình huống trẻ có cảm xúc tức giận.
Cha mẹ cũng cần nhắc nhở trẻ rằng trẻ không cần phải chịu trách nhiệm về cảm xúc của người khác. Nếu trẻ thực hiện một hành động tốt mà khiến người khác tức giận, điều đó cũng không sao cả. Đây cũng là một bài học quan trọng mà trẻ cần phải học trong suốt cuộc đời, nó sẽ giúp trẻ chống lại áp lực từ bạn bè hoặc những người xung quanh. Thấm nhuần những giá trị tốt đẹp và tính cách mạnh mẽ sẽ giúp trẻ tự tin vào khả năng đưa ra quyết định đúng đắn, bất chấp sự phản đối từ người khác.
Cảm xúc khó chịu không phải là cái cớ để biện minh cho những hành vi chưa phù hợp.
Thực hành chấp nhận những cảm xúc khó chịu
Cảm xúc khó chịu thường mang một ý nghĩa riêng. Nếu một người đang đứng trên bờ vực của một vách đá, lo lắng là một phản ứng cảm xúc bình thường nhằm cảnh báo họ về những mối nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi con người lại cảm thấy sợ hãi và lo lắng một cách không cần thiết.
Nếu trẻ lo lắng hay khó chịu về một điều gì đó thì cũng không sao cả, điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu trẻ sợ tham gia đội bóng đá vì lo lắng là không quen với bạn nào trong đội, cha mẹ hãy động viên để trẻ mạnh dạn tham gia. Đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình – trong một môi trường an toàn – sẽ giúp trẻ nhận ra rằng trẻ có thể làm được nhiều hơn những gì trẻ nghĩ.
Đôi khi, việc trốn tránh những cảm giác khó chịu trở nên quen thuộc, trẻ có thể mất tự tin vào bản thân. Trẻ sẽ nghĩ rằng “Mình không thể làm được điều đó, nó quá đáng sợ”. Kết quả là trẻ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội trong cuộc sống.
Cha mẹ nên nhẹ nhàng khích lệ trẻ bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Khen ngợi những nỗ lực và cho trẻ biết rằng cha mẹ quan tâm đến việc trẻ sẵn sàng cố gắng hơn là kết quả. Dạy trẻ cách nhìn nhận sai lầm, thất bại và tình huống khó chịu như một cơ hội để trẻ được học hỏi và phát triển tốt hơn.
Cha mẹ nên nhẹ nhàng khích lệ trẻ bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Giúp trẻ thay đổi tâm trạng tiêu cực
Tâm trạng của trẻ em thường phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh bên ngoài. Một đứa trẻ có thể rất vui vẻ khi đang chơi đùa và sẽ buồn bã khi phải rời đi. Sau đó, tâm trạng của trẻ có thể nhanh chóng chuyển sang phấn khích khi trẻ biết mình được dừng lại ăn kem trên đường về nhà.
Cha mẹ cần cho trẻ hiểu rằng tâm trạng của trẻ không nhất thiết phải phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh bên ngoài. Thay vào đó, trẻ có thể quản lý phần nào cảm xúc của mình, bất kể trong tình huống gì.
Trao quyền để trẻ được thực hiện các bước để cải thiện tâm trạng của mình. Trẻ không cần phải kìm nén hay phớt lờ những cảm xúc khó chịu, trẻ có thể thực hiện những hoạt động phù hợp giúp bản thân cảm thấy tốt hơn. Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ xác định những lựa chọn cụ thể mà trẻ có thể thực hiện để bình tĩnh lại khi tức giận hoặc thoải mái hơn khi cảm thấy tồi tệ. Ví dụ, khi cha mẹ bắt gặp trẻ đang ủ rũ, cha mẹ hãy thử nói: “Mẹ nghĩ việc ủ rũ có thể khiến con luôn trong tâm trạng tồi tệ. Mẹ tự hỏi con có thể làm gì để cảm thấy tốt hơn?” Khuyến khích trẻ hoạt động tích cực hoặc làm điều gì đó mới sẽ giúp trẻ điều tiết cảm xúc của mình một cách lành mạnh hơn.
Thay vì kìm nén cảm xúc khó chịu, trẻ có thể thực hiện những hoạt động phù hợp giúp bản thân cảm thấy tốt hơn.
ConCuaTui
1. https://www.verywellfamily.com/teach-your-child-to-deal-with-uncomfortable-emotions-1095028
2. Ảnh minh hoạ: Tổng hợp