Phong cách nuôi dạy

Bạn thuộc phong cách làm cha mẹ nào?

02-01-24 | 7:55

Mỗi bậc cha mẹ nuôi dạy con cái của mình theo một phong cách riêng biệt. Thang đo phân tích phong cách làm cha mẹ (PASS) có thể giúp cha mẹ hình dung phong cách nuôi dạy của mình, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.

Ý chính trong bài
Thang đo phân tích phong cách làm cha mẹ (PASS – Parental Analytical Style Scale) được thiết kế để đo lường phong cách nuôi dạy trẻ.
Mỗi bậc cha mẹ có thể tiến hành phân bổ và tính tổng điểm của mình để tìm ra phong cách nuôi dạy chiếm ưu thế nhất.

Thang đo phân tích phong cách làm cha mẹ (PASS)

Bằng cách sử dụng quy trình “phân bổ ngân sách”, những người tham gia đã tiến hành phân bổ điểm để cho biết mức độ họ có thể đưa ra một trong bốn quyết định của cha mẹ (đối với 10 tình huống giả định). Thang đo phân tích phong cách làm cha mẹ (PASS) được thiết kế để đo lường sự đa dạng của các phong cách nuôi dạy con cái, từ quyết đoán, độc đoán, dễ dãi đến không can thiệp.

Thang đo này có cấu trúc như sau:

Hãy tưởng tượng rằng bạn là cha mẹ của một đứa trẻ năm tuổi. Bạn chỉ được phép sử dụng 100 điểm để phân bổ cho bốn mục trong mỗi tình huống. Hãy cho biết mức độ bạn có khả năng phản ứng theo các cách sau đây bằng cách phân chia tổng số 100 điểm của bạn cho bốn lựa chọn trong mỗi câu hỏi.

Ví dụ: nếu có một mục trong số bốn mục mà bạn chắc chắn 100 phần trăm sẽ mô tả hành động của mình, thì bạn có thể cho mục đó là 100 và các tùy chọn khác đều là 0. Hoặc bạn có thể phân phối chúng theo bất kỳ cách nào khác miễn là tổng điểm của bạn trong mỗi câu hỏi là 100.

Nếu bạn muốn một phiên bản đơn giản hơn của quy trình, bạn có thể coi thang đo này như một bài kiểm tra trắc nghiệm và chỉ cần chọn một tùy chọn trong mỗi câu hỏi mà bạn cho là phản ánh quyết định của bạn một cách tốt nhất.

1. Đứa trẻ muốn một cây kem ốc quế nhưng cha/mẹ lại sắp trễ giờ làm.

A. Tôi nhẹ nhàng nói với con là “không” và chúng tôi đi đến ô tô.
B. Tôi nói với con là “Tuyệt đối không! Con sẽ làm chúng ta trễ giờ mất”.
C. Tôi không thể từ chối việc dừng lại và mua một cây kem ốc quế ngon cho con tôi.
D. Tôi thậm chí không để ý đến yêu cầu của con.

2. Đứa trẻ muốn thức muộn hơn một giờ mặc dù đã đến giờ con phải đi ngủ.

A. Tôi giải thích với con rằng giờ đi ngủ thực sự quan trọng vì nó sẽ giúp con cảm thấy tuyệt vời vào ngày mai, do vậy đã đến lúc con cần đi ngủ.
B. Tôi nói với con là “không” và kết thúc câu chuyện.
C. Thức thêm một giờ nữa thì có làm sao đâu!
D. Tôi đã quá mệt nên tôi sẽ ngủ trước và mặc con muốn làm gì thì làm.

3. Đứa trẻ muốn chơi máy tính, nhưng con chưa dọn dẹp đồ chơi trong phòng khách.

A. Tôi giải thích với con rằng sau khi con dọn dẹp đồ chơi của mình, con có thể tiếp tục sử dụng máy tính.
B. Tôi nói với trẻ rằng con không được phép sử dụng máy tính trong thời gian còn lại trong ngày vì con đã không dọn dẹp đống bừa bộn của mình.
C. Tôi khởi động máy tính cho con trong khi tôi thu dọn đồ chơi của con.
D. Những món đồ chơi đó đã ở đó hàng tuần rồi nên không có gì to tát cả.

4. Đứa trẻ không ăn tối, nhưng giờ lại đòi ăn bánh quy.

A. Tôi giải thích tầm quan trọng của những món ăn dinh dưỡng trong bữa tối và nói với con rằng việc ăn bánh quy thay cho bữa tối là không được phép.
B. Tôi nói với con là “Không đời nào!”
C. Một chiếc bánh chẳng gây hại gì cả!
D. Thực ra, tôi nghĩ điều đó không quan trọng lắm, đứa trẻ có thể ăn bất cứ thứ gì.

5. Đứa trẻ muốn bạn của mình ở lại qua đêm, nhưng gia đình lại phải đi du lịch vào lúc 6:00 sáng ngày mai.

A. Tôi giải thích với con rằng tất cả chúng tôi cần phải dậy sớm vào sáng mai cho chuyến du lịch, do đó hãy mời bạn ở lại chơi vào một dịp khác.
B. Tôi hỏi con: “Tại sao con lại hỏi câu hỏi này khi con đã biết rằng câu trả lời là không!?”
C. Tôi sẽ để con vui vẻ với bạn mình – nhưng chúng tôi vẫn sẽ phải dậy thật sớm vào sáng mai.
D. Trẻ muốn làm gì cũng được miễn là tôi không phải giám sát hay làm gì cả.

6. Đứa trẻ muốn cha mẹ mua cho một món đồ chơi ở cửa hàng tạp hóa.
A. Tôi nói với con rằng: “Hiện tại chúng ta ở đây để mua đồ tạp hóa, chúng ta sẽ mua sắm đồ chơi nhưng vào một dịp khác”.
B. Tôi nói với con rằng: “Tuyệt đối không – tiền không mọc trên cây đâu!”
C. Tôi chắc chắn sẽ mua cho con – một món đồ chơi mới sẽ làm con hạnh phúc.
D. Miễn là nó không làm phiền tôi.

7. Đứa trẻ không chịu mặc áo khoác mùa đông dù bên ngoài trời lạnh cóng.

A. Tôi giải thích với trẻ rằng con cần chiếc áo khoác để giữ ấm, vì vậy con phải mặc nó.
B. Tôi nói với con rằng con sẽ không được phép ra khỏi nhà cho đến khi con mặc áo khoác vào.
C. Chà, đó là sự lựa chọn của trẻ – Tôi có thể mang nó đến cho con sau.
D. Sao cũng được, tôi không quan tâm cho lắm.

8. Đứa trẻ muốn 10.000 VNĐ để chơi một trò chơi tại hội chợ quận. Tôi đã chi hơn 100.000 VNĐ tại hội chợ ngày hôm nay.

A. Tôi nói với con rằng chúng tôi đã chi rất nhiều tiền tại hội chợ, chúng tôi có thể chơi một trò chơi khác ở nhà.
B. “Con có biết hôm nay chúng ta đã tiêu bao nhiêu tiền không? Thêm nữa ư? Chắc chắn là không rồi!”
C. Chắc chắn rồi, 10.000đ có là bao nhiêu đâu?!
D. Tại sao ai đó lại mang con của họ đến hội chợ chứ?

9. Đứa trẻ muốn tôi chơi một trò chơi với nó vào lúc tôi đang xem chương trình truyền hình yêu thích của mình.

A. Tôi nói với con rằng chương trình này quan trọng với tôi như thế nào, tôi có thể chơi với con sau.
B. Tôi nói với con rằng con không nên làm phiền khi tôi đang xem TV.
C. Tôi đồng ý với con và tắt TV.
D. Nếu tôi phớt lờ trẻ, trẻ sẽ tự động hiểu.

10. Đứa trẻ muốn vẽ trong phòng khách trải thảm.

A. Tôi giải thích cho con hiểu vẽ tranh có thể làm bẩn thảm và nói với trẻ rằng con có thể vẽ ở bên ngoài.
B. Hoàn toàn không. Tôi không muốn con làm hỏng tấm thảm của tôi.
C. Chắc chắn rồi, tôi chỉ cần đặt một số tờ báo lên sàn nhà.
D. Tôi không quan tâm con làm gì, miễn là không liên quan đến tôi.

 

happy family

Thang đo phân tích phong cách làm cha mẹ (PASS) được thiết kế để đo lường phong cách nuôi dạy trẻ.

Chấm điểm và giải thích về kết quả

Lưu ý: Kết quả này chỉ nhằm mục đích tham khảo, vui lòng không sử dụng cho mục đích gán nhãn hoặc đưa ra các kết luận mang tính lâm sàng. Khảo sát này không nhằm mục đích thay thế các khuyến cáo hay chỉ định điều trị từ các bác sĩ và chuyên gia tâm lý.

Đối với mỗi câu hỏi trong bảng này, bốn phong cách nuôi dạy con được trình bày theo thứ tự sau: A. Quyết đoán; B. Độc đoán; C. Dễ dãi; D. Thờ ơ, không can thiệp.

Bạn có thể tính tổng điểm của mình và tìm ra phong cách (hoặc các phong cách) chiếm ưu thế nhất. Ví dụ, nếu tổng điểm cao nhất của bạn là dành cho lựa chọn A, điều đó có nghĩa là bạn thường có cách tiếp cận quyết đoán trong việc nuôi dạy con cái. Bốn phong cách nuôi dạy điển hình được định nghĩa bên dưới để bạn có thể hiểu được điểm số của mình nói lên điều gì về phong cách làm cha mẹ của bạn.

  • Quyết đoán: Với tư cách là cha mẹ, bạn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng bạn vẫn cố gắng lắng nghe ý kiến đóng góp từ con mình và giải quyết mọi tình huống theo cách hợp tác với trẻ.
  • Độc đoán: Là cha mẹ, bạn rất kỳ vọng con mình sẽ vâng lời và luôn tuân theo lời bạn.
  • Dễ dãi: Là cha mẹ, bạn khá lỏng lẻo và bạn thường để con mình làm những gì trẻ muốn, miễn là không ai bị tổn thương.
  • Thờ ơ, không can thiệp: Bạn là một bậc cha mẹ không thường xuyên quan tâm, không tập trung nhiều năng lượng cảm xúc của mình vào con cái hoặc quá trình nuôi dạy con cái.

Bạn có thể tìm hiểu chi tiết về các phong cách làm cha mẹ cũng như tác động của chúng trong quá trình nuôi dạy con tại các bài viết trong ứng dụng ConCuaTui.

 

Phạm Trần Kim Chi

Nguồn tham khảo:

1. https://www.psychologytoday.com/us/blog/darwins-subterranean-world/202009/what-kind-parent-are-you

2. Ảnh minh hoạ: Tổng hợp